SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ
NĂM 2025
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị 11 Ban Chấp hành trung ương, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Kết luận số 137-KL/TW ngày 29/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 65/2025/QH15; Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) năm 2025; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ trướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phướng 02 cấp.
Sau khi phối hợp với các xã có liên quan, Ủy ban nhân dân xã……… xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP CẤP XÃ
Trong lịch sử hình thành, 03 xã Hưng Điền, Hưng Điền B và xã Hưng Hà huyện Tân Hưng được tách ra từ huyện Vĩnh Hưng theo Nghị định số 27-CP của Chính phủ ngày 24/3/1994 về việc điều chỉnh địa giới huyện, xã thuộc tỉnh Long An, tách các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Hưng Điền B, Hưng Thạnh, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Thạnh Hưng, Hưng Hà, Hưng Điền và thị trấn Tân Hưng của huyện Vĩnh Hưng để thành lập huyện Tân Hưng.
Trước cách mạng tháng Tám và về sau này, Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà cũng là vùng kháng chiến căn cứ cách mạng qua các thời kỳ, chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây - Nam.
Bên cạnh đó, Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà có đường biên giới giáp 15,814 km, kết nối hạ tầng giao thông để thúc đẩy giao thương giữa 03 xã được thuận tiện, các tuyến đường kết nối giao thông 03 xã thông thoáng, điều này tạo điều kiện cho kinh tế mậu dịch phát triển.
ĐVHC các xã hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên; việc duy trì 03 ĐVHC riêng biệt dẫn đến làm phân tán các nguồn lực, tiềm năng của các địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và việc phát triển thương mại, dịch vụ. Trong khi đó, thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, giúp thực hiện giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Ngoài ra, cả 03 xã có cơ cấu kinh tế tương đối tương đồng, đều là xã biên giới giáp với Campuchia.
Do đó, việc sáp nhập 03 xã thành 01 xã mới là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và tình hình thực tiễn hiện nay. Việc sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; đồng thời, đảm bảo phù hợp quy mô diện tích, dân số, thúc đẩy tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
II. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ THỰC HIỆN SẮP XẾP
1. Xã Hưng Điền:
Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp xã Hưng Điền B, phía Tây và phí Nam giáp tỉnh Đồng Tháp.
Diện tích tự nhiên của xã: 33,62 km2
Quy mô dân số: 7.007 người.
Số ấp: Hưng Điền 5 ấp: ấp Tre I; ấp Cây Me; ấp Ba Gò; ấp Gò Chuối, ấp Láng Biển.
Chức năng vai trò:
Hưng Điền sở hữu vị trí địa lý kinh tế chiến lược quan trọng, cửa ngõ nối các xã biên giới tiếp giáp Campuchia, cộng hưởng sự lan tỏa về phát triển kinh tế mậu dịch.
Có hệ thống đường bộ gồm: tỉnh Lộ 819, đường biên giới giáp Campuchia dài 7,8 km; có các hệ thống đường giao thông tương đối đồng bộ thuận tiện cho việc đi lại; có hệ thống kênh rạch góp phần cho viêc đi lại bằng phương tiện thủy, đồng thời đem lại nguồn nước tưới tiêu cho bà con nông dân.
Xã Hưng Điền theo định hướng phát triển kinh tế biên mậu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi giống cây trồng, phát triển trồng cây ăn trái lâu năm.
2. Xã Hưng Điền B:
Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp xã Hưng Hà, phía Tây giáp xã Hưng Điền, Phía Nam giáp Hưng Thạnh.
Diện tích tự nhiên của xã: 50,22 km2
Quy mô dân số: 7.617 người.
Số ấp: Hưng Điền B có 6 ấp : ấp Bưng Ràm, ấp Gò Pháo, ấp Kinh Mới, ấp Kinh Cũ, ấp Ngã Tư và ấp Hưng Thuận.
Chức năng vai trò:
Hưng Điền B sở hữu vị trí địa lý kinh tế chiến lược quan trọng, xã biên giới có nền kinh tế phát triển về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh tế mậu dịch.
Có hệ thống đường bộ gồm: tỉnh Lộ 819, tiếp giáp xã Hưng Điền B có đường biên giới giáp Camphuchia dài trên 5km; có các hệ thống đường giao thông tương đối đồng bộ thuận tiện cho việc đi lại; có hệ thống kênh rạch góp phần cho viêc đi lại bằng phương tiện thủy, đồng thời đem lại nguồn nước tưới tiêu cho bà con nông dân.
Xã Hưng Điền B theo định hướng phát triển kinh tế biên mậu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi giống cây trồng, phát triển trồng cây ăn trái lâu năm.
3. Xã Hưng Hà:
Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia; phía Đông giáp xã Khánh Hưng và xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng; phía Tây giáp xã Hưng Điền B; phía Nam giáp Thạnh Hưng.
Diện tích tự nhiên của xã: 47,32 km2
Quy mô dân số: 4.588 người.
Số ấp: Hưng Hà có 5 ấp: Sông Trăng, Hà Hưng, Hà Tân, Hà Long, Hà Thanh.
Chức năng vai trò:
Hưng Hà sở hữu vị trí địa lý kinh tế chiến lược quan trọng trong công tác bảo vệ biên giới quốc gia có đường biên giới dài 2.4km, xã biên giới có nền kinh tế phát triển về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh tế mậu dịch.
Có hệ thống đường bộ thuận tiện, thông thoáng tiếp giáp xã Hưng Điền B, có các hệ thống đường giao thông tương đối đồng bộ thuận tiện cho việc đi lại; có hệ thống kênh rạch góp phần cho viêc đi lại bằng phương tiện thủy, đồng thời đem lại nguồn nước tưới tiêu cho bà con nông dân.
Xã Hưng Hà định hướng phát triển kinh tế biên mậu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi giống cây trồng, phát triển trồng cây ăn trái lâu năm.
III. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ
1. Phương án: Thành lập xã Hưng Điền thuộc tỉnh Tây Ninh (sau khi sáp nhập tỉnh Tây Ninh và Long An) trên cơ sở nhập xã Hưng Điền, xã Hưng Điền B và xã Hưng Hà huyện Tân Hưng hiện nay.
2. Kết quả sau sắp xếp
- ĐVHC cấp xã (tên): Hưng Điền có: 131,16 km2 (đạt 437,21% so với tiêu chuẩn). Quy mô dân số 19.213 người (đạt 120,08% so với tiêu chuẩn); có 16 ấp.
Về tên gọi: Năm 1873 (Hưng Điền xưa) thuộc huyện Mộc Hóa - Kiến Tường. 1978 thuộc huyện Vĩnh Hưng chia 2 xã Hưng Điền B và Hưng Điền A. Đến năm 1994 Hưng Điền thành lập thuộc huyện Tân Hưng (tách Hưng Điền B). Trước cách mạng tháng Tám và về sau này, Hưng Điền cũng là vùng kháng chiến căn cứ cách mạng qua các thời kỳ, chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây - Nam.
- Đơn vị hành chính cùng cấp liền kề sau sắp xếp: xã Vĩnh Thạnh, xã Khánh Hưng.
- Nơi đặt Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC: xã Hưng Điền B, có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hệ thống giao thông phát triển, là cửa ngỏ kết nối với xã Tân Hưng (sau sắp xếp), đồng thời xã Hưng Điền B nằm giữa 02 xã Hưng Điền và Hưng Hà tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ giải quyết các thủ tục hành, …
- Việc sáp nhập 3 xã biên giới để hình thành nên 1 ĐVHC cơ sở để thuận tiện trong công tác quản lý. ĐVHC mới định hướng phát triển kinh tế biên mậu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi giống cây trồng, phát triển trồng cây ăn trái lâu năm.
IV. KẾT LUẬN
Sắp xếp các ĐVHC cấp xã, phù hợp với yêu cầu sắp xếp, tổ chức, tăng quy mô ĐVHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy tiềm năng, nội lực, hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; phù hợp với nhiệm vụ, định hướng chung của tỉnh.
Quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; trình tự, hồ sơ thủ tục đúng quy định của pháp luật; việc xác định tên gọi của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, lựa chọn vị trí đặt công sở, các chế độ, chính sách đặc thù và công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt đông không chuyên trách, người lao động... khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã đã được các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện.